Đối với trẻ em thì đồ chơi như là một gia tài khổng lồ, nó giúp cho trẻ có được một tuổi thơ đẹp hơn và cũng giúp cho trí não trẻ được phát triển hơn. Các món đồ chơi cho trẻ thường làm từ nhựa , vì vậy cha mẹ cần phải biết cách chọn lựa để không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.

1. Chất độc hại trong

Để hiểu được đồ chơi gây độc như nào, chúng ta phải hiểu được nguyên liệu cấu tạo ra nó. Đa phần các đồ chơi trẻ em được làm từ nhựa, một số đồ chơi được làm từ cao su, từ thủy tinh không vỡ, từ sành, sứ, gốm. Có một số ít đồ chơi được làm từ kim loại như mắt của con búp bê hay thìa xúc canh đồ chơi có thể được tráng kim loại. Không những thế, chúng còn được phủ bên ngoài bằng một lớp sơn, màu, vecni, mực in, polyme. Tất cả các nguyên vật liệu và chất tạo màu này đều chứa các chất độc hại. Chúng có thể phai ra, thôi nhiễm vào cơ thể. Chúng ta có thể nhìn bằng mắt thường từng lớp phẩm màu thôi ra tay, ra miệng con trẻ khi chúng mút, liếm đồ chơi. Sự “đi ra” quá dễ dàng của các nguyên tố độc hại từ đồ chơi không đạt chuẩn là nguồn cơn gây ra nhiễm độc.

Xét về mặt hóa chất, con trẻ có thể bị nhiễm độc từ các yếu tố thôi nhiễm nguy hiểm. Các yếu tố này chính là các nguyên tố cấu tạo nên vật liệu nhựa, thủy tinh, kim loại, phẩm màu. Chúng bao gồm 10 nguyên tố nguy hiểm: Stibium (Sb), Asen (As), Bari (Ba), Cadimi (Cd), Crom (Cr), Chì (Pb), Thuỷ ngân (Hg), Selen (Se), Clo (Cl) và Lưu huỳnh (S). Đây là những nguyên tố cần phải xem xét đầu tiên và cơ bản nhất khi kiểm định tính an toàn độc hại hóa học của đồ chơi trẻ em. Ngoài ra, còn cần cảnh giác với fomaldehyde trong các sản phẩm nhựa.

Đồ chơi trẻ em chứa rất nhiều hóa chất độc hại

Những nguyên tố này, khi thôi ra, chúng có thể gây độc hại. Mặc dù không gây ra những bệnh cấp tính dữ dội song chúng lại có khả năng tích lũy và gây bệnh mạn tính với sự phát triển âm thầm. Chúng có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau. Một số bệnh điển hình là bệnh não, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ trẻ em, tan máu, ung thư gan, thận, phổi, dạ dày… Đây là những bệnh lý hệ trọng, cực kỳ nguy hiểm với trẻ em.

Tùy vào nguyên tố thôi nhiễm, tùy vào lượng chất thôi nhiễm là bao nhiêu mà trẻ em có thể bị nhiễm độc với các biểu hiện và các mức độ khác nhau. Không phải tất cả các trẻ em chơi đồ chơi thiếu an toàn đều có thể bị nhiễm độc như trên, không phải mọi nhiễm độc hóa học từ đồ chơi đều có đầy đủ các bệnh trạng như trên nhưng đó là những dấu hiệu và bệnh lý có thể gặp.

Ở giai đoạn đầu, trẻ có thể có một số biểu hiện rối loạn nhất định như quấy khóc, chán ăn, bỏ ăn, ngủ không sâu, hay tỉnh giấc, hay nôn trớ, hay bị rối loạn tiêu hóa.

Theo tiêu chuẩn Việt Nam, nồng độ tối đa của các chất thôi nhiễm chỉ được nằm trong giới hạn cho phép. Cụ thể, tính theo đơn vị là mg/kg đồ chơi thì Sb tối đa là 60, As là 25, Ba là100, Cd là 75, Cr là 60, Pb là 90, Hg là 60, Se là 500. Các đồ chơi mô phỏng thực phẩm như hoa, lá, quả, con vật là những đồ chơi trẻ có thể mút, liếm lại càng phải cảnh giác.

2. Cách lựa chọn đồ chơi trẻ em an toàn

Những đồ chơi có nhiều chi tiết nhỏ, lại dễ bể, vỡ, tháo lắp… là nguyên nhân phổ biến của rất nhiều ca hóc dị vật ở bệnh nhi. Ngoài việc có thể hóc dị vật, trẻ cũng có thể nhiễm độc từ một số đồ chơi trôi nổi có chứa chì, các hóa chất độc hại từ chất liệu nhựa, nước sơn. Chúng sẽ đặc biệt nguy hiểm với những em bé có thói quen ngậm đồ chơi. “Tiêu biểu” cho loại này là những đồ chơi chứa pin, các loại bóng bay nhuộm phẩm màu, đồ nhựa tái chế. Trên thị trường hiện có khá nhiều loại đồ chơi sử dụng pin và hầu như rất dễ tháo rời, rơi pin khi va đập hay trẻ tò mò cậy ra và… bỏ vô miệng. Thường gặp nhất là ở các loại pin tiểu nhỏ, pin nút. Trong khi đó, pin lại chứa rất nhiều chì, chất acid, nếu trẻ bị hóc lâu và pin phân hủy thì sẽ rất nguy hiểm.

Đối với trẻ nhỏ, đồ chơi nhiều màu sắc là một yếu tố thu hút các bé ngậm đồ chơi hoặc bỏ đồ chơi vào miệng. Trong khi trẻ nhỏ kể từ thời điểm mọc răng thường cắn, gặm đồ chơi. Do đó, cần hết sức cẩn thận và các bậc cha mẹ nên cố gắng cùng chơi chung với trẻ để vừa hướng dẫ trẻ chơi, vừa phòng ngừa các tai nạn. Để phòng tránh hiểm họa từ đồ chơi, các BS khuyên tốt nhất phụ huynh nên chọn cho trẻ đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, nguyên liệu dùng làm đồ chơi không gây độc hại, hình dạng không góc cạnh và không nên có những bộ phận tách rời khiến bé dễ nuốt vào và bị hóc sặc, đồ chơi phải đảm bảo vệ sinh, cấu tạo chắc chắn, an toàn, dễ rửa sạch; đồ chơi có ghi chú lứa tuổi phù hợp, không cho trẻ chơi với những dụng cụ sinh hoạt gia đình có nhiều chi tiết nhỏ; riêng đồ chơi dùng pin thì nên chọn loại có hộc pin được gắn chặt. Song song đó, cần chú ý hơn tới sức khỏe con em mình, không nên chủ quan khi thấy con trẻ bị ho sặc và nên biết cách xử lý khi trẻ hóc dị vật và đưa trẻ tới cơ sở y tế kịp thời để được xử lý và điều trị.

Nguyên tắc chọn đồ chơi cho trẻ

- Đồ chơi phải đảm bảo vệ sinh, cấu tạo chắc chắn, an toàn, dễ rửa sạch.

- Nguyên liệu dùng làm đồ chơi không độc hại, hình dạng không góc cạnh.

- Đồ chơi phải có tính thẩm mỹ, hình dạng sinh động, có thể tạo hứng thú say mê và phát triển trí tưởng tượng cho bé.

3. Bí quyết chọn đồ chơi thông minh và an toàn theo lứa tuổi của trẻ
 
Giai đoạn từ 0 - 6 tháng tuổi: Đồ chơi thú bông

Lọt lòng, bé bắt đầu bước vào một thế giới hoàn toàn mới lạ mà ở đó, tất cả các giác quan đều được đánh thức. Những ngày đầu, thị lực còn yếu nhưng thính giác và cảm giác của bé lại thích ứng nhanh hơn đối với môi trường bên ngoài.

Do đó, trong giai đoạn này, những món đồ chơi bằng bông mềm mại là sự lựa chọn số một dành cho bé. Những con thú bông khiến bé thích sờ nắn, lúc lắc trên tay, nhìn chăm chú hay thậm chí cho vào mồm để ngậm… Tất cả những hành động đó hình thành những phản xạ đầu tiên trong đời của bé.

Giai đoạn từ 6 - 12 tháng tuổi: Đồ chơi có tiếng

Từ 6 đến 12 tháng tuổi là thời gian trẻ bắt đầu bi bô tập nói. Dù bạn có thể không hiểu bé nói gì nhưng thực chất bé học hỏi được rất nhiều trong giai đoạn này. Vì vậy, chọn cho con những món đồ chơi, kể chuyện cho con nghe sẽ giúp bé phát triển ngôn ngữ trong tương lai.

Những món đồ chơi có tiếng giúp luyện cho bé khả năng phát âm. Sẽ dễ dàng hơn nếu bố mẹ cũng tham gia vào công việc này bằng cách nói và diễn đạt lại tiếng phát ra từ đồ chơi ấy. Ví dụ khi bạn bật một câu chuyện cho bé nghe, sau đó nhắc lại với giọng điệu nhấn mạnh và rõ ràng để bé thấy thích thú. Khi đó, bé sẽ cố gắng bắt chước và nhại lại giọng của bố mẹ, đây cũng chính là cách luyện cho bé phát âm một cách tốt và nhanh nhất.

Giai đoạn từ 12 tháng: Trò chơi xếp hình

Trong giai đoạn này, có thể bé vẫn thích nghịch hay thậm chí vẫn cho vào miệng những món đồ chơi bằng bông mềm mại nhưng thực tế là bé đã khá lớn và hoàn toàn có thể làm chủ được đôi tay của mình. Khi đó những miếng ghép xếp hình sẽ trở nên khá thú vị đối với bé.

Bé sẽ bắt đầu tập xếp, ghép các hình với nhau và bật ra tiếng khi muốn lựa chọn các miếng xếp hình hoặc ngân giọng mỗi khi cần tìm những miếng ghép bị “biến mất”. Dần dần, những bộ đồ chơi xếp hình sẽ trở thành những người bạn thân thiết đối với bé.

Giai đoạn từ 12 – 18 tháng: Truyện tranh màu

Quãng thời gian 1 tuổi là thời điểm để bé bắt đầu học những từ đầu tiên. Lúc này, trí tò mò của bé rất cao, luôn muốn tìm hiểu và khám phá mọi thứ xung quanh, từ những cái đơn giản như chiếc thìa trên mặt bàn, xe đạp đồ chơi cho đến máy bay, vũ trụ. Và đây cũng là lúc bé cảm thấy đặc biệt thích thú truyện tranh màu.

Ngoài ra, những tập truyện tranh màu còn là “đối tượng” để bé luyện các động tác. Bé tập dùng ngón tay để chỉ các hình vẽ khác nhau trên từng trang giấy. Bé bắt đầu biết tìm cách lật giở các trang sau của tập truyện để được tiếp tục xem các hình vẽ khác mà mình thích.

Giai đoạn từ 18 tháng: Truyện cổ tích

Kể từ khi bắt đầu biết nói (từ 18 tháng đến 2 tuổi), truyện cổ tích có ý nghĩa khá lớn cho sự phát triển của bé. Khi nghe, nội dung của truyện cùng cách truyền cảm khi kể mang đến cho bé những cảm xúc mới mẻ: “Và ngay lập tức, con cáo há miệng, để lộ ra hàm răng dữ tợnnnnnn… và nói ta sẽ ăn thịtttt… ngươi!”. Lắng nghe những câu chuyện cổ tích, bé sẽ học được cách đặt câu hỏi, biết tìm câu trả lời, biết giải thích và diễn đạt cảm xúc… Tất cả những điều đó đều góp phần quan trọng cho việc phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ.

Truyện cổ tích góp phần quan trọng trong việc phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ

Để có thể đọc truyện diễn cảm cho con, bạn hãy lưu ý 3 bí quyết nhỏ sau đây nhé:

- Khi đọc truyện, hãy đặt bé ở gần mình để bé cảm nhận được tình cảm của bố mẹ: đặt bé ngồi trong lòng khi bạn ngồi trên ghế hoặc đặt bé trên chân khi bạn ngồi trên sàn nhà.

- Thay vì đọc, bạn hãy cố gắng kể cho bé nghe một cách ngắn gọn. Hãy luôn chắc rằng mình hiểu rõ toàn bộ nội dung và bài học đằng sau cuốn truyện. Để khi nghe bạn kể, những âm điệu nhấn mạnh sẽ khiến bé cảm thấy câu chuyện như có thật và sinh động hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn đã thuộc lòng, hãy cố gắng tỏ ra đây cũng là lần đầu mình nghe kể câu chuyện này giống bé.

- Trong khi đọc, thỉnh thoảng bạn hãy tạm dừng để nhắc lại những đoạn gay cấn (ví dụ như tiếng gầm của các con thú) để bé thấy thích thú hơn với câu chuyện.

Giai đoạn từ 1 - 2 tuổi: giai đoạn này trí tuệ trẻ đã phát triển hơn. Nó không chỉ tò mò mà còn bắt chước và làm theo động tác của người lớn. Trẻ bắt đầu có tư duy logic, vì vậy bạn có thể chọn cho con những bộ xếp hình đơn giản. Bạn cùng con xếp thành hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật… sau đó đố nó tìm hình theo ý mình. Cách chơi mà học này giúp trẻ phát triển tư duy và có khả năng phán đoán nhanh.

Từ 2,5 - 3,5 tuổi: ở giai đoạn này thể lực và trí não trẻ đã phát triển toàn diện hơn. Nó thích khám phá, học hỏi, chạy nhảy và thích các trò chơi vận động như: leo trèo, đuổi bắt… Vì vậy, nếu muốn trẻ rèn luyện thể lực, bạn có thể cùng con đá bóng, tập cho trẻ chạy xe đạp 4 bánh… Muốn trẻ rèn luyện tư suy, khả năng học hỏi nên chọn cho con đồ chơi như: búp bê, đồ chơi xếp hình phức tạp, bảng chữ cái ghép vần… Trò chơi này giúp nó phát huy trí tưởng tượng phong phú và tư duy lôgic.

Từ 4 - 5 tuổi: ở giai đoạn này, với bé gái bạn có thể mua cho trẻ bộ đồ chơi nấu nướng, thú tay… Bạn có thể tham gia chơi với con bằng cách “phân vai”, bạn là người bán hàng, con là khách, sau đó đổi vai. Những “giao dịch giả bộ” giúp trẻ phản ứng nhanh nhạy hơn với nhiều tình huống xảy ra trong cuộc sống. Để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, bạn có thể đeo thú tay và cùng con diễn một vở kịch có nội dung yêu thương, chia sẻ. Với bé trai, bạn có thể chọn các loại đồ chơi thí nghiệm khoa học như: tên lửa, tạo hố thiên thạch với nhiều màu sắc và hình dạng… Trò chơi này giúp trẻ say mê tìm hiểu, khám phá những hiện tượng xảy ra xung quanh. Đây cũng là cách giúp trẻ phát triển trí não và yêu khoa học hơn.

Lưu ý: Ngoài những nguyên tắc chung, bạn cũng nên dựa vào tính cách của con mình để chọn đồ chơi cho phù hợp. Nếu trẻ là đứa trẻ nhút nhát hãy ưu tiên cho những đồ chơi có tính động, khi hòa mình vào trò chơi nó sẽ có những phản ứng nhanh và mạnh dạn hơn. Nếu trẻ quá hiếu động, bạn hãy chú ý đến những đồ chơi ở dạng tĩnh. Ngồi một chỗ xếp hình, nặn đất cũng là cách giúp trẻ học cách kiên nhẫn và bớt nóng vội hơn.