Từ 12 đến 18 tháng tuổi bé đã bắt đầu phát triển bộ não rất mạnh, chính vì thế cho bé trong độ tuổi này cũng cần phải giúp trẻ kích thích não bộ, giúp bé thông minh hơn.

Đến độ tuổi này, nhóc của bạn đã bắt đầu trở nên khó canh giữ, bé chẳng chịu ngồi yên nữa. “Hiếu động” chính là từ thích hợp nhất để mô tả những em bé trong độ tuổi này, và chính vì thế mà bạn có thể thấy con rất thích những món đồ chơi hay những trò chơi có thể vận động toàn thân – chẳng hạn như chơi bóng, xích đu, những trò chơi leo trèo…

1. Xếp hình khối lớn:

Bạn hãy chọn những khối hình “kềnh càng nhưng nhẹ nhàng”, có thể làm từ bìa các tông đủ lớn để bé sắp xếp thành tháp hay bức tường, hoặc theo bất cứ cách nào mà bé muốn. Trò chơi này giúp rèn khả năng tư duy logic và phối hợp vận động tay – mắt, tuy rằng nếu quan sát con mình chăm chú “làm việc”, bạn có thể sẽ phát hiện ra hình như phần khiến bé hài lòng nhất trong cả trò chơi là lúc cái tháp của bé bị đổ kềnh.

2. Đồ chơi kéo và đẩy:

Những món đồ chơi nặng một chút và có thể đẩy đi được giúp bé có điểm tựa khi di chuyển quanh nhà. Còn nếu con bạn đã biết đi đứng thạo hơn một chút, đã biết ngoái nhìn ra sau trong khi vẫn đi tới trước, thì có thể cho bé chơi những thứ kéo đi được. Bạn hãy quan tâm đến những món đồ chơi có những chi tiết ngộ nghĩnh, phát ra âm thanh vui nhộn giúp con thích thú.

3. Đồ chơi phân loại và lắp ráp:

Trẻ em ở độ tuổi chập chững này rất thích xếp lên, hạ xuống, lắp vào, tháo ra… cơ bản là bố trí lại những thứ xung quanh mình. Các món đồ chơi phân loại và sắp xếp rất thú vị đối với những bé đang muốn học hỏi kỹ năng tự giải quyết vấn đề.


4. Phòng tập mini:

Một phòng tập thể thao mini sẽ giúp con bạn có được không gian an toàn để leo trèo, ẩn nấp, trượt và tập luyện nhiều kỹ năng vận động khác. Tuy vậy, phải thừa nhận đây là một sự đầu tư khá tốn kém và chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn vì các bé tầm tuổi này phát triển rất nhanh.

5. Banh:

Tất cả các loại banh mà bé có thể cầm và ném được đều có thể là món đồ chơi thú vị – cho dù đó là quả banh hơi (phao), banh nhựa hay banh vải. Tuy vậy bạn hết sức lưu ý đừng cho bé chơi những loại banh mềm nhỏ có thể cho vào miệng. Đây là thời điểm mà bạn có thể hướng dẫn cho con mình chơi trò “bắt banh”. Hãy bắt đầu từ từ thôi – và dần dần bé sẽ chơi trò ném và bắt banh một cách nhuần nhuyễn với bạn.


6. Bút chì màu và giấy:

Hãy để con được làm “họa sĩ” với những loại bút chì màu an toàn và có thể chùi rửa được! Bạn chỉ cho bé dùng mỗi lúc không quá hai cây bút chì màu – để bé không bị lúng túng – và dán những tờ giấy xuống nền nhà hay mặt phẳng cố định sẽ giúp bé vẽ dễ dàng hơn.

7.  Ô tô bí bo:

Hầu như bé nào cũng mê mẩn những chiếc ô tô hay xe đồ chơi cho bé ngồi ở trong và giả vờ lái – một số mẫu mã còn bố trí thêm cả tay cầm để người lớn có thể đẩy giúp khi bé mệt hoặc hơi làm biếng. Nhưng bạn đừng mua các loại ô tô điện – chúng vừa đắt tiền vừa lấy đi niềm vui con và bạn có thể tự mình điều khiển.

8.   Đồ chơi vật dụng trong nhà:

Những món đồ chơi mô phỏng, dạng thu nhỏ của các vật dụng hàng ngày như vật dụng nhà bếp, dụng cụ sửa chữa thường rất cuốn hút bọn trẻ. Bằng những món đồ chơi này, bé sẽ có cơ hội làm những việc thường trông thấy người lớn làm; bé sẽ gắn bó với những thứ này nhiều tháng, với kỹ năng chơi và sáng tạo ngày càng phức tạp hơn.

9.  Sách ảnh:

Con bạn sẽ thích những cuốn sách với hình ảnh phong phú và sinh động về các con vật, đồ vật và các hoạt động quen thuộc. Bé cũng có thể bắt đầu biết tự hào về tủ sách riêng của mình và biết tự chọn ra quyển sách yêu thích.

Theo lamsao